Tinh trùng ít là một trong những nguyên nhân phổ biến gây vô sinh nam giới hiện nay. Tuy nhiên, không phải ai cũng nhận biết được tình trạng này sớm do các dấu hiệu thường mờ nhạt hoặc không rõ ràng. Việc hiểu rõ về triệu chứng và nguyên nhân gây tinh trùng ít sẽ giúp nam giới chủ động trong việc thăm khám và điều trị, bảo vệ khả năng sinh sản về lâu dài.
Mục lục
1. Tinh trùng ít là gì?
Tinh trùng ít (thiểu tinh trùng) là tình trạng khi số lượng tinh trùng trong tinh dịch thấp hơn mức bình thường. Theo tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), nếu trong 1ml tinh dịch có dưới 15 triệu tinh trùng thì được coi là tinh trùng ít.
Việc số lượng tinh trùng thấp sẽ làm giảm khả năng tiếp cận và thụ tinh với trứng, khiến cơ hội mang thai tự nhiên thấp hơn. Tuy nhiên, thực tế có nhiều trường hợp nam giới có tinh trùng ít vẫn có thể thụ thai bình thường nếu tinh trùng vẫn có chất lượng tốt về khả năng di động, hình thái.
2. Triệu chứng của tinh trùng ít
Phần lớn nam giới bị tinh trùng ít thường không có dấu hiệu hoặc triệu chứng rõ rệt nào đặc biệt. Biểu hiện dễ nhận thấy nhất là khó có con sau thời gian dài quan hệ đều đặn (ít nhất 1 năm) mà không sử dụng các biện pháp tránh thai.
Ngoài ra, một số dấu hiệu kèm theo có thể gặp do liên quan đến nguyên nhân gây tinh trùng ít, bao gồm:
- Giảm ham muốn tình dục: Nội tiết tố nam testosterone suy giảm có thể ảnh hưởng đến ham muốn.
- Rối loạn cương dương: Khó duy trì hoặc đạt được sự cương cứng khi quan hệ.
- Đau, sưng hoặc xuất hiện khối bất thường vùng bìu: Thường liên quan đến giãn tĩnh mạch tinh hoặc khối u.
- Lông tóc thưa, thưa râu hoặc các dấu hiệu bất thường về nội tiết hoặc di truyền: Có thể do rối loạn hormone nam hoặc bất thường di truyền bẩm sinh.
Tuy nhiên, nhiều trường hợp tinh trùng ít hoàn toàn không biểu hiện bất kỳ dấu hiệu nào, chỉ được phát hiện khi làm xét nghiệm tinh dịch đồ trong quá trình khám hiếm muộn.
3. Khi nào cần đi khám bác sĩ?
Nam giới nên sớm đi khám chuyên khoa Nam học hoặc Tiết niệu – Sinh dục nếu có những biểu hiện sau:
- Sau ít nhất 1 năm quan hệ tình dục thường xuyên (không dùng biện pháp tránh thai) mà chưa có thai.
- Có biểu hiện bất thường như: giảm ham muốn, rối loạn cương dương, xuất tinh ngược, đau hoặc sưng tinh hoàn.
- Đã từng bị chấn thương hoặc phẫu thuật vùng bẹn, tinh hoàn, bìu.
- Có tiền sử mắc bệnh lý viêm nhiễm cơ quan sinh dục, tinh hoàn hoặc tuyến tiền liệt.
Phát hiện sớm nguyên nhân giúp tăng khả năng điều trị thành công và bảo toàn chức năng sinh sản.
4. Nguyên nhân phổ biến gây tinh trùng ít
4.1. Nguyên nhân bệnh lý
- Giãn tĩnh mạch tinh: Là nguyên nhân thường gặp nhất, làm suy giảm lưu thông máu ở tinh hoàn, gây tổn thương tế bào sinh tinh.
- Nhiễm trùng: Viêm mào tinh, viêm tinh hoàn, bệnh lậu, HIV… có thể gây sẹo cản trở đường dẫn tinh trùng.
- Rối loạn xuất tinh: Tinh dịch bị xuất ngược vào bàng quang hoặc không xuất tinh, do bệnh lý thần kinh, tiểu đường, tổn thương tủy sống hoặc do dùng thuốc.
- Rối loạn nội tiết: Suy tuyến yên, tuyến giáp, tuyến thượng thận hoặc tinh hoàn khiến giảm sản xuất hormone sinh dục nam.
- Khối u: Các u tuyến yên, u tinh hoàn có thể ảnh hưởng đến quá trình sinh tinh.
- Cản trở cơ học đường dẫn tinh: Sẹo sau phẫu thuật, nhiễm trùng hoặc dị tật bẩm sinh gây bít tắc đường dẫn tinh.
- Tinh hoàn ẩn: Tinh hoàn không xuống bìu hoàn chỉnh từ thời thơ ấu làm giảm sản xuất tinh trùng.
- Bệnh tự miễn: Cơ thể tự sinh kháng thể chống lại tinh trùng, gây suy giảm số lượng và chất lượng tinh trùng.
- Tác dụng phụ thuốc: Một số thuốc điều trị ung thư, thuốc kháng androgen, corticosteroid, thuốc chống nấm… có thể gây ức chế tinh hoàn.
4.2. Nguyên nhân môi trường
- Tiếp xúc hóa chất độc hại: Bao gồm thuốc diệt cỏ, thuốc trừ sâu, dung môi công nghiệp.
- Phơi nhiễm kim loại nặng: Như chì, cadmium làm tổn thương tế bào sinh tinh.
- Tia xạ, bức xạ ion hóa: Làm tổn hại mô tinh hoàn, giảm hoặc mất khả năng sinh tinh.
4.3. Nguyên nhân lối sống
- Hút thuốc lá, sử dụng ma túy: Giảm chất lượng và số lượng tinh trùng.
- Uống nhiều rượu bia: Ảnh hưởng đến hormone testosterone và chức năng sinh tinh.
- Căng thẳng, lo âu kéo dài: Làm rối loạn nội tiết tố sinh dục.
- Béo phì: Giảm testosterone, tăng estrogen nội sinh khiến sinh tinh suy giảm.
- Thói quen tắm nước nóng, xông hơi, mặc quần bó sát: Gây tăng nhiệt vùng bìu, làm tổn hại tinh hoàn.
5. Cách phòng ngừa tinh trùng ít
Để duy trì số lượng và chất lượng tinh trùng khỏe mạnh, nam giới cần chú ý:
- Từ bỏ hút thuốc lá, hạn chế rượu bia.
- Không sử dụng chất kích thích, ma túy.
- Giữ cân nặng hợp lý, tập thể dục thường xuyên.
- Hạn chế căng thẳng, kiểm soát stress tốt.
- Tránh tiếp xúc hóa chất, tia xạ nguy hiểm tại môi trường làm việc.
- Hạn chế tắm nước quá nóng, xông hơi lâu, mặc đồ lót bó sát.
- Khám sức khỏe định kỳ, đặc biệt khi có tiền sử bệnh lý liên quan đến sinh sản.
